728x90 AdSpace

Tin mới nhất

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Chuyển mô hình trường bán công sang công lập ở Thanh Hóa: 10 giáo viên nguy cơ bị... “ra đường”

Sau hơn 10 năm công tác, 10 giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 5, Thanh Hoá (trước đây là Trường THPT bán công số 1 Tĩnh Gia) bị gạt ra lề và đang có nguy cơ mất việc. Chúng tôi đã cùng các cô đi gõ cửa các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá, ngõ hầu được xem xét nhưng buồn thay, tất cả vẫn chỉ là những cái lắc đầu ái ngại tỏ vẻ thương cảm.


“Các vị lãnh đạo đều hứa sẽ xem xét”

Tháng 8.2007, các cô giáo Phùng Thị Hương, Nguyễn Thế Tâm, Phạm Thị Tâm, Quách Thị Lệ, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Xoan, Lê Thị Hạnh, Hà Hạnh Thục, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Thu ký hợp đồng giảng dạy theo tiết tại Trường THPT bán công số 1 Tĩnh Gia. “Lương chúng tôi nhận được thời điểm đó khoảng 700.000 đồng/tháng. Tháng 1.2008, các cô được ký hợp đồng thử việc 1 năm với nhà trường, nhận mức lương 80% của hệ số 2,34 theo quy định. Khi đó, ông Phạm Văn Ninh làm hiệu trưởng. Cuối năm 2008, ông Ninh chuyển công tác làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Tĩnh Gia. Năm 2009, các cô ký hợp đồng làm việc 3 năm (2009-2012) với ông Nguyễn Ngọc Thơi - Hiệu trưởng mới, mọi quyền lợi, chế độ được hưởng như giáo viên biên chế.

Năm 2010, toàn bộ hệ thống trường bán công ở Thanh Hoá được chuyển sang công lập, trong đó có Trường THPT bán công số 1 Tĩnh Gia. Chỉ có số ít giáo viên được chuyển vào biên chế, hưởng lương từ ngân sách, 10 cô giáo vẫn chỉ là biên chế của trường, hưởng lương từ nguồn thu học phí. Các cô vẫn được coi là “giáo viên cơ hữu”. “Khi đó có nhiều đoàn công tác của Sở Nội vụ, Sở GDĐT về, chúng tôi đều nêu ý kiến, được trả lời là hãy yên tâm, các vị lãnh đạo đều hứa là sẽ xem xét, giải quyết như hàng trăm trường hợp của 24 trường bán công” - đơn các cô giáo viết. Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 796/QĐ-UBND và Quyết định số 836/HD/SGDĐT-TCCB về việc hướng dẫn hợp đồng làm việc đối với giáo viên các trường THPT bán công chuyển đổi sang THPT công lập. Theo đó, “những giáo viên hợp đồng làm việc (HĐLV) trên 48 tháng sẽ được ký HĐLV không xác định thời hạn. Những người chưa đủ thời gian hợp đồng lao động 48 tháng sẽ hợp đồng lao động có thời hạn; khi đủ 48 tháng sẽ xem xét nếu đơn vị có nhu cầu thì tiến hành ký HĐLV không xác định thời hạn”.

Lời hứa gió bay

Tuy nhiên lời hứa gió bay. Trong lúc 23 trường khác trên toàn tỉnh, các giáo viên hợp đồng với trường đều được chuyển sang biên chế, hưởng lương từ ngân sách, 10 cô giáo ở Trường THPT Tĩnh Gia 5 vẫn đứng ngoài. Năm 2011, Sở GDĐT Thanh Hoá có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên cho các trường THPT. Trường THPT Tĩnh Gia 5 thiếu hơn 20 giáo viên biên chế. Các cô đăng ký xét tuyển nhưng không đạt, vì nguyên tắc xét tuyển theo bằng cấp từ cao xuống thấp. Trong khi, thời điểm này nhiều sinh viên sư phạm ra trường với tấm bằng giỏi. Hơn nữa, “thời điểm chúng tôi ra trường cách đó từ 5-10 năm về trước thì kiếm đâu ra tấm bằng thạc sĩ hay bằng giỏi”. Các cô ngậm ngùi nhìn 22 giáo viên mới biên chế vào trường và 5 giáo viên chuyển từ nơi khác về. Các cô từ từ bị đẩy ra rìa. Bục giảng ngày thêm lạc lõng. Năm 2012, hết HĐLV 3 năm cũng không có hợp đồng mới nào. Tháng 8.2014, do số lượng học sinh giảm, nhà trường không đủ ngân sách trả lương theo mức cũ nên chỉ có thể trả mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng. Các cô không còn được xếp dạy chính, sự tồn tại của các cô ở trường với đời sống “thực vật” như một sự ban ơn, thương hại.

Làm việc với phóng viên Báo Lao Động, đa số các vị lãnh đạo liên quan đều… chép miệng, lắc đầu tỏ vẻ cảm thông cho thân phận các cô giáo và “chẳng biết phải giải quyết thế nào”. Ông Nguyễn Ngọc Thơi vừa trao đổi với phóng viên vừa khóc, vì xót xa cho các cô bởi các cô đều là những người có chuyên môn tốt, đã có 10 năm gắn bó với bục giảng nhà trường. Xót xa hơn, chính con gái ông - cô Nguyễn Thị Thảo (giáo viên dạy sử) - cũng là một trong 10 cô giáo long đong này. Nhiều lần trao đổi với Báo Lao Động, ông Phạm Văn Ninh - nguyên hiệu trưởng, người đã nhận hồ sơ và ký hợp đồng làm việc đầu tiên với các cô - cũng tỏ ra rất thương cảm. Ông nói: “Đúng là rất ái ngại cho tình cảnh các cô, đã 10 năm gắn bó với trường, giờ thế này kể cũng khổ thật”.

Theo Lao động


Chuyển mô hình trường bán công sang công lập ở Thanh Hóa: 10 giáo viên nguy cơ bị... “ra đường”
  • Tiêu đề: Chuyển mô hình trường bán công sang công lập ở Thanh Hóa: 10 giáo viên nguy cơ bị... “ra đường”
  • Thời gian: 20:49
  • Danh mục :
  • Ý kiến bạn đọc
  • Ý kiến bằng Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top