Sáng 7-4, tại Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu và Lễ hội Bà Triệu năm 2015.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng trình bày diễn văn nêu rõ thân thế, sự nghiệp, hoàn cảnh ra đời của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta. Để tri ân nữ anh hùng kiệt xuất Triệu Thị Trinh và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, nhân dân đã xây dựng lăng mộ và lập đền thờ Bà Triệu tại xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay nhiều hạng mục của khu di tích vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn như Đình Phú Điền với những bức chạm lộng, chạm bong tinh xảo, bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa; các di tích khác như Lăng mộ Bà, mộ các tướng quân họ Lý, khuôn viên đền Bà Triệu... đã và đang được quan tâm trùng tu, phục hồi để tương xứng với công lao, tầm vóc, vị thế nữ anh hùng dân tộc. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lễ đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu được tổ chức đúng vào thời điểm tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc 2015. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước đối với công lao to lớn của nữ anh hùng dân tộc và các bậc tiền nhân. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với huyện Hậu Lộc làm tốt công tác bảo vệ, quan tâm trùng tu tôn tạo khu di tích, qua đó giới thiệu khu di tích cũng như hình ảnh người anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải, nhấn mạnh: Từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (đầu Công nguyên), thì cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu chống giặc Ngô năm 248 trên vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay) là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công và bà đã hy sinh anh dũng, nhưng lòng quả cảm của bà đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, quyết tâm đánh giặc giữ nước. Gần 2.000 năm đã trôi qua, đến nay nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn bảo tồn các di tích lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu. Việc Khu di tích này được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể to lớn đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm xây dựng các hạng mục, gắn Khu di tích Bà Triệu với núi Nưa, xã Tân Ninh (Triệu Sơn), nơi dựng cờ khởi nghĩa, núi Quan Yên, xã Định Tiến (Yên Định) nơi bà sinh ra và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng xứ Thanh xứng đáng là vùng đất lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng công nhận Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu là Di tích Quốc gia đặc biệt cho tỉnh Thanh Hóa.
PV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét