Ngày 1-4-1959, Bác Hồ kính yêu đã về thăm làng cá và bà con ngư dân trên hai đảo Tuần Châu và Cát Bà, Người căn dặn: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Kể từ đó, lời dạy của Người luôn được ghi sâu trong tâm trí những người lao động nghề cá trong cả nước. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 18-3-1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1-4 hàng năm là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản Thanh Hóa đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều mặt.
Ðược thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài 102 km, có 6 huyện, thị xã ven biển được hình thành bởi 5 cửa sông lớn đổ ra biển, Thanh Hóa có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản và phong phú. Bao đời nay, một bộ phận lớn dân cư vùng biển Thanh Hóa đã xem biển như là “nồi cơm chung” và khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh. Theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, bà con ngư dân Thanh Hóa mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn ra xa khơi đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng lực tàu cá tăng nhanh theo chiều hướng giảm tàu khai thác ven bờ và tăng tàu khai thác xa bờ. Đến nay, tổng số tàu cá khai thác hải sản toàn tỉnh là 7.333 chiếc, trong đó tàu khai thác xa bờ 1.370 chiếc. Nhiều tàu cá được trang bị các loại máy điện tử hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác ngày càng tiên tiến.
Ðể cho tàu cá, tàu dịch vụ hoạt động an toàn, hiệu quả trên biển, nhiều năm qua, ngành thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã tập trung hướng dẫn, phổ biến cho bà con ngư dân trang bị các thiết bị điện tử hàng hải khá hiện đại. Hiện nay, hầu hết tàu cá được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa. Các loại máy định vị được các tàu cá sử dụng khá phổ biến. Song, hiệu quả hơn cả là bà con ngư dân Thanh Hóa đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trên biển.
Không chỉ tập trung phát triển năng lực đánh bắt, khai thác hải sản từ biển, Thanh Hóa còn chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào thực tế sản xuất. Hiện tại, toàn tỉnh có 18.050 ha nuôi trồng thủy sản và 1.500 lồng nuôi cá biển. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm he chân trắng, ngao bến tre và cá rô phi đơn tính... Tổng sản lượng nuôi thủy sản năm 2014 đạt 45.775 tấn, trong đó: nuôi nước mặn 13.168 tấn, nuôi nước lợ 6.810 tấn, nuôi nước ngọt 25.797 tấn, riêng cá rô phi đơn tính đạt sản lượng 1.700 tấn. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap, tôm chân trắng thâm canh, nuôi tôm sú, cua xanh bán thâm canh, nuôi cá rô phi, cá lóc, cá rô đồng, cá vược, nuôi nước mặn đang được triển khai có hiệu quả ở các địa phương ven biển. Năm 2014, ngành thủy sản trong tỉnh cũng đã sản xuất và di ương hơn 1,5 tỷ con giống thủy sản.
Một mối quan hệ “kéo theo” khác trong ngành thủy sản là khi sản lượng sản xuất đạt khá, thì công nghiệp chế biến cũng phát triển tương ứng, mang lại giá trị tăng thêm khá lớn. Cũng như nhiều vùng biển khác, chế biến thủy sản ở Thanh Hóa đã được quan tâm phát triển khá sớm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Các nhà máy chế biến xuất khẩu đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp với thiết bị ngày càng hiện đại, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tích cực nhiệm vụ xuất khẩu trên địa bàn. Hiện tại, toàn tỉnh có 81 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy sản và gần 1.000 cơ sở (các hộ gia đình) tham gia chế biến thủy sản. Theo đó, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt 69 triệu USD, trong đó xuất khẩu chính ngạch đạt 22,72 triệu USD, xuất khẩu tiểu ngạch đạt 46,28 triệu USD.
Đi đôi với phát triển sản xuất, hạ tầng nghề cá được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, các cảng cá, bến cá lớn như Lạch Hới, Lạch Bạng, Hòa Lộc, Lạch Trường, Quảng Nham, đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Các bến cá Hải Châu, Hoằng Phụ được xây dựng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, ngành thủy sản Thanh Hóa cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế: Giá trị ngành thủy sản trong cơ cấu GDP toàn tỉnh còn thấp; nhiều tàu cá còn lạc hậu, tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, mắt lưới nhỏ trong khai thác thủy sản vẫn xảy ra; năng suất, sản lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản còn thấp so với tiềm năng, năng lực sản xuất giống thủy sản còn bất cập; nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu còn thiếu; vùng nguyên liệu tập trung (cả nước ngọt và nước lợ) chưa được tập trung xây dựng.
Với tỉnh ta, thủy sản vẫn là ngành kinh tế có thế mạnh, còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mục tiêu đến năm 2020 là phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, ổn định để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 190.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác đạt 125.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 65.000 tấn.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh cần tập trung phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững; gắn phát triển thủy sản với tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn lợi và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung huy động, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đến Thanh Hóa đầu tư sản xuất và di ương giống thủy sản để chủ động được giống các đối tượng chủ lực theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap; đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ, từng bước hiện đại hóa nghề cá; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; gắn phát triển thủy sản với củng cố quan hệ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có; với kinh nghiệm sản xuất được tích lũy từ bao đời nay và định hướng phát triển đúng đắn, tin rằng ngành thủy sản Thanh Hóa sẽ tiếp tục vươn xa trong tương lai.
TS. Lê Đức Giang
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét