728x90 AdSpace

Tin mới nhất

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Lễ hội Đình Cơm Thi

Không hẹn mà gặp, cứ đến ngày 12 tháng Giêng, không chỉ người dân xã Hà Thanh (Hà Trung), những người con xa quê tụ họp về đây, mà đông đảo du khách cũng tìm về để được hòa mình vào lễ hội Đình Cơm Thi.


 Năm nay lễ hội thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Mọi người không chỉ đến để dâng lễ tế thần mong thành hoàng làng bảo vệ dân làng khỏi bệnh tật, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mà còn được hòa mình trong những trò chơi dân gian mà không phải lễ hội nào cũng gìn giữ và phát huy được.

Ngay từ sáng sớm, dọc hai bên đường, đông đảo người dân trên địa bàn đã bắt đầu cho phần lễ rước kiệu, múa lân từ nghè ngoài về Đình Cơm Thi và rước kiệu về đình làng để báo cáo những kết quả làm ăn trong năm qua và ước vọng trong năm mới. Sau đó là cử hành lễ chính với các phần tế tam sinh, múa mộc, múa trống cơm.

Theo các cụ cao niên trong làng thì, Đình Cơm Thi ở Thanh Đớn gắn liền với việc thờ danh tướng Phan Tây Nhạc - người con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc nông trại từ thủa Vua Hùng. Về sau, Đình Cơm Thi làng Thanh Đớn rước Tô Hiến Thành - một quan văn võ toàn tài thời Lý cai quản miền đất Thanh Hóa vào đình phối thờ. Tri ân công đức của Phan Tây Nhạc và các vị tiền nhân có công với dân, với nước, đặc biệt là Tô Hiến Thành - thành hoàng làng, từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng xưa kia và từ mùng 10 đến 12 tháng Giêng ngày nay lễ hội đình Cơm Thi đã trở thành lễ hội đặc sắc của địa phương.

Năm 2001 Đình Cơm Thi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trên cơ sở đó ngôi đình đã từng bước được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2010 - 2012 trong chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, Đình Cơm Thi liên tục được Nhà nước đầu tư kinh phí để bảo tồn, tôn tạo và hoàn thành trong năm 2012.

Cùng với việc trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua chính quyền và nhân dân địa phương đã quan tâm phục hồi lễ hội Đình Cơm Thi. Đây được xem là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã và đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng, bởi nó đã trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương.

Những lễ tục ở lễ hội như việc sắm sửa cờ, kiệu, trang phục... đến việc tế tam sinh gồm bò, lợn, dê, rước thành hoàng quanh làng và tiến hành tế lễ tại đình với các quan viên, chủ tế chỉnh tề, chúc văn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, là những giá trị nhân văn sinh động, và là nhu cầu của người dân ở đây từ bao đời đời, nên lễ hội được bảo tồn đến ngày nay.
         
Tại lễ hội, một trong những điều hấp dẫn người dân đó là các trò chơi nổi tiếng như nấu cơm thi theo các phe phường diễn lại tích của Phan Tây Nhạc đã rèn luyện cho quân sỹ thực hành một cách thành thạo, đặc biệt là nấu được cơm trong điều kiện khó khăn. Nét đặc sắc của việc nấu cơm thi, đó là từ khâu đánh lửa, giã gạo, sàng gạo, vo gạo và nấu cơm. Đội nào nấu cơm trong thời gian nhanh nhất, cơm ngon nhất thì sẽ giành giải tại cuộc thi.


Bên cạnh đó, những trò chơi như đánh đu, chạy thẻ, chọi gà... cũng được diễn ra tại lễ hội, thu hút được sự tham gia sôi nổi của nhân dân và du khách. Chính điều đó quyết định tính bền vững trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ của hội này.
         
Việc tổ chức lễ hội đình Cơm Thi là cơ hội góp phần cho người dân Hà Thanh cũng như du khách tìm về cội nguồn trong những ngày xuân ấm áp.

PV
Lễ hội Đình Cơm Thi
  • Tiêu đề: Lễ hội Đình Cơm Thi
  • Thời gian: 19:01
  • Danh mục :
  • Ý kiến bạn đọc
  • Ý kiến bằng Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top