728x90 AdSpace

Tin mới nhất

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Ngày 11-2-2015, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Hội đồng thẩm định Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. 


Đề án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện, được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) hoàn thành dự thảo lần 1 vào tháng 12-2013. Sau nhiều lần báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, và Tổ chức các hội thảo khoa học để xin ý kiến đóng góp, đến nay, Đề án cơ bản đã được hoàn thiện.

Đề án có mục tiêu tổng quát là phát triển KT-XH nhanh, toàn diện và hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa có nền công nghiệp, dịch vụ hiện đại, với cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, khoa học công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, an ninh chính trị ổn định, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc.

Mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2020, có 6 chỉ tiêu giữ nguyên, 5 chỉ tiêu điều chỉnh tăng, 7 chỉ tiêu điều chỉnh giảm và bổ sung 14 chỉ tiêu. Từ những mục tiêu này, báo cáo nêu ra các hướng đột phá và ưu tiên phát triển đến năm 2020 gồm: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;  củng cố và phát triển hệ thống chuyển giao  công nghệ, nhất là với nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 22%; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng theo cơ cấu ngành nghề đáp ứng thị trường lao động. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 12 - 13%/năm; cơ cấu kinh tế cũng được điều chỉnh, trong đó, tỉ trọng nông - lâm - thủy sản giảm 1,1%, dịch vụ giảm 0,9% và công nghiệp - xây dựng tăng 2%. Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2016 - 2020 được điều chỉnh là 0,65% so với quy hoạch ban đầu là 0,5%. Một số chỉ tiêu khác cũng đã được điều chỉnh, như hệ số trượt giá, thu nhập bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư phát triển, sản lượng lương thực, số lượng cụm công nghiệp. Ngoài ra, để phù hợp với các chỉ tiêu KT - XH và môi trường, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh đến năm 2020, báo cáo cũng đã đề nghị bổ sung thêm 12 chỉ tiêu, nâng các chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 lên 32 chỉ tiêu.

Về vấn đề điều chỉnh một số chỉ tiêu đến năm 2030, Đề án đã điều chỉnh một số chỉ tiêu định hướng như sau: bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 10.000 - 11.000 USD (theo phương án đã trình HĐND tỉnh là 8.252 USD), cơ cấu nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 6,4% - 56,4% - 37,1% (phương án đã trình lần lượt là 6,9% - 53,8% - 39,3%).

Để đạt được những mục tiêu và định hướng đề ra, bản quy hoạch đưa ra 9 nhóm giải pháp  cơ bản trên tất cả các lĩnh vực như: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực; giải pháp đầu tư; giảp pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng lực lượng vũ trang toàn diện...

Tại hội nghị, Sở KH và ĐT, đại diện đơn vị tư vấn, báo cáo với Hội đồng thẩm định về các chỉ tiêu của đề án của tỉnh không trùng với trung ương như: Tỷ lệ hộ được dùng điện, tỷ lệ dân số được phủ sóng truyền hình, đường, nhựa được rải bê tông, tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, qua phân tích, các chỉ tiêu này đều phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương nên vẫn nên giữ lại theo đề án.

Góp ý cho Đề án, các đại biểu  phản biện của Hội đồng thẩm định đã kiến nghị với đơn vị tư vấn làm rõ thêm một số nội dung về tính toán tỷ lệ người dân được dùng điện, đặc biệt tại khu vực miền núi, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lao động qua đào tạo…, đồng thời bổ sung căn cứ pháp lý và rà soát, cập nhật các số liệu mới theo ngành, đơn vị mình phụ trách. Tại hội nghị, bên cạnh các văn bản đóng góp ý kiến chính thức của các sở, ngành liên quan, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đã phát biểu đóng góp thêm các ý để hoàn thiện Đề án.

Sau khi nghe báo cáo tiếp thu ý kiến xây dựng đề án của Sở KH và ĐT và ý kiến giải trình, làm rõ thêm của lãnh đạo các sở, ngành và các thành viên hội đồng thẩm đinh về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, nhấn mạnh, về cơ bản, hệ thống chỉ tiêu của đề án đã phản ánh được mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số lượng trong hệ thống chỉ tiêu có cao hơn so với bộ tiêu chí của trung ương (32 so với 27), song đây đều là những chỉ tiêu phù hợp và cần thiết trong lộ trình xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh tiên tiến. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cần có sự điều chỉnh lại nội hàm cho phù hợp với tiêu chí của Trung ương và với quy mô phát triển của tỉnh. Về vấn đề này, chủ tịch Hội đồng thẩm định Đề án Nguyễn Đình Xứng giao cho Sở KH và ĐT đấu mối, làm việc với các sở, ngành liên quan để rà soát điều chỉnh lại. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng lưu ý các thành viên trong hội đồng thẩm định và lãnh đạo các sở, ngành cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đóng góp ý kiến có hiệu quả, để đề án thực sự có tính khả thi cao.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án yêu cầu Sở KH và ĐT, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, để hoàn chỉnh Đề án trình Ban Thường vụ tỉnh ủy và HĐND tỉnh thông qua.

PV
Kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
  • Tiêu đề: Kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
  • Thời gian: 18:30
  • Danh mục :
  • Ý kiến bạn đọc
  • Ý kiến bằng Facebook

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top